Ngày 25/10, tại TP.Tân An, UBND tỉnh Long An tổ chức kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu – Long An năm 2023.
Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công Thương – Phan Thị Thắng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh – Nguyễn Văn Út; Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Huỳnh Văn Sơn; Giám đốc Sở Công Thương – Huỳnh Văn Quang Hùng; đại diện lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại; Cục Xuất nhập khẩu; Sở Công Thương TP.HCM, đại diện lãnh sự quán một số nước bạn và doanh nghiệp tham gia xuất, nhập khẩu hàng hóa sản xuất tại Long An.
Ngoài kết nối trực tiếp, Long An còn tổ chức kết nối với các điểm cầu trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo thương vụ Việt Nam tại các nước Hoa Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh – Nguyễn Văn Út cho biết, Long An không những là điểm sáng về thu hút đầu tư mà trở thành tỉnh có kim ngạch xuất khẩu đứng đầu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hội nghị này nhằm thực hiện mục tiêu phát triển xuất khẩu của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, tạo điều kiện để doanh nghiệp có cơ hội gặp gỡ, tìm kiếm các đối tác, nhà nhập khẩu, người mua hàng tiềm năng. Qua đó, góp phần tăng cường quảng bá sản phẩm, thương hiệu, kết nối giao thương, mở rộng thị trường. Đây cũng là dịp để gợi mở nhiều định hướng, giải pháp cho tỉnh, hiệp hội ngành hàng trong việc nâng cao khả năng cung cấp hoạt động hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, Long An phấn đấu đạt mục tiêu xuất khẩu 7,2 tỉ USD trong năm 2023 và phát triển xuất khẩu bền vững trong những năm tiếp theo.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương – Phan Thị Thắng, để góp phần tháo gỡ khó khăn cho các nhà sản xuất, xuất khẩu trong bối cảnh thị trường tiêu thụ vẫn còn khó khăn do nhu cầu thị trường nội địa và thế giới phục hồi chậm, Bộ Công Thương tiếp tục đồng hành cùng các địa phương nói chung và Long An nói riêng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương mại và kết nối giao thương nhằm tiêu thụ các sản phẩm thế mạnh của tỉnh cả ở thị trường trong nước và ra thị trường quốc tế.
Với chủ trương đa dạng hóa các hình thức tiêu thụ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan, mở rộng cả kênh phân phối truyền thống và hiện đại, chú trọng khai thác các kênh trực tuyến, thương mại điện tử cho hàng Việt Nam tại thị trường trong nước và cả quốc tế.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng tích cực thúc đẩy và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho sản phẩm Việt Nam với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam tại tất cả các khu vực trên thế giới.
Long An là tỉnh đầu tiên của Vùng ĐBSCL được phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong 9 tháng của năm 2023, Long An thu hút 82 dự án FDI và vốn đầu tư là 543 triệu USD. Lũy kế đến nay có 1.215 dự án FDI với vốn đầu tư 10,5 tỉ USD.
Hiện Long An không những là điểm sáng về thu hút đầu tư mà là tỉnh có kim ngạch xuất khẩu đứng đầu Vùng ĐBSCL, đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Toàn tỉnh có trên 900 doanh nghiệp xuất, nhập khẩu. Sản phẩm, hàng hóa của tỉnh Long An cung cấp ổn định cho các thị trường xuất khẩu, với hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, có nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, EU,…
Tuy nhiên, năm 2023 là một năm đầy khó khăn đối với mọi lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có hoạt động thương mại trong nước và xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng của tỉnh giảm 2,16% so cùng kỳ (5,4 tỉ USD, cả nước giảm 8,2%), nhập khẩu giảm 28% (2,9 tỉ USD, cả nước giảm 13,8%).
Tại hội nghị, đại biểu được thông tin về bức tranh xuất khẩu năm 2023 và cơ hội, thách thức đối với xuất khẩu thời gian tới; tiềm năng xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới; nhu cầu, giải pháp, kiến nghị phát triển thị trường thanh long; nhu cầu, giải pháp, kiến nghị phát triển thị trường chuối; lợi thế, triển vọng và đề xuất về thúc đẩy tỉnh Long An; giải pháp logistics và cảng biển đa năng; giải pháp tài trợ tài chính hỗ trợ xuất khẩu; những chú ý, định hướng cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu qua hệ thống AEON; chiến lược mở rộng đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng; hệ thống phân phối bán lẻ lớn nhất tại khu vực Tây Á; giới thiệu về nhu cầu của Circle K – Chuỗi cửa hàng tiện ích Circle K tại Việt Nam.
Là một trong 3 đơn vị ký kết ghi nhớ với Sở Công Thương tại hội nghị về nghiên cứu, triển khai các dự án tại tỉnh Long An, thúc đẩy giao thương, kết nối tiêu thụ hàng hóa của tỉnh vào hệ thống phân phối của các doanh nghiệp, ông Trần Đình Toản – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP & Đầu tư công nghệ OSB, đại lý ủy quyền của Alibaba.com từ năm 2009 cho biết, Long An có thế mạnh đặc biệt về các mặt hàng nông sản, đang là một thế mạnh trên sàn. Trong thời gian dịch, một số ngành hàng xuất khẩu ảnh hưởng nhưng hàng nông sản vẫn giữ được thế mạnh là điểm sáng. Sản phẩm của Long An được Alibaba đánh giá là rất tiềm năng, đây là một thế mạnh của Việt Nam.
Ông cũng nói thêm, sàn Alibaba.com hỗ trợ các doanh nghiệp dựa trên cách thức là triển khai chương trình cụ thể, lựa chọn một số các đơn vị tiêu biểu ở Long An để hỗ trợ các DN có nền tảng vững mạnh, toàn diện bao gồm công tác đào tạo, tư vấn lên chiến thuật, nâng cao nhận thức DN trên sàn thương mại điện tử, giúp kết nối các DN trên sàn Alibaba, tận dụng được các kênh trên sàn hiệu quả để tối ưu các hoạt động, giúp các DN tiếp cận với thị trường nước ngoài.
Ông Toản cũng lưu ý các DN khi xuất khẩu cần phải nắm bắt được xu thế ví dụ như xu thế xanh là xu thế sản phẩm an toàn, chủ đạo trên thế giới, các DN phải có cách thức để nắm bắt kịp thời xu thế. Bên cạnh đó, xu hướng chuyển dịch từ các sản phẩm xuất khẩu thô sang chế biến doanh nghiệp cũng phải nắm bắt được, đồng thời có mức giá thành cạnh tranh phù hợp sản xuất được thứ mà thị trường cần.
Ngoài ra, Hiệp hội du lịch Long An và Foodnamoo Việt Nam (Hàn Quốc) cũng ký kết ghi nhớ về nghiên cứu hợp tác phát triển du lịch./.